Theo Trung tâm Khí tượng – Thủy văn tỉnh, đây là đợt rét đậm và rét hại đầu tiên ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh ta từ đầu mùa đông đến nay. 7 giờ sáng hôm qua 16-12, nhiệt độ đo được tại địa bàn tỉnh ở mức 10,7 độ C. Dự báo, ngày 17-12, nhiệt độ có thể xuống thấp hơn, dao động ở mức 8-10 độ C (rét hại). Đợt rét này có thể kéo dài 2 -3 ngày. Đợt rét đậm, rét hại này đến sớm hơn cùng kỳ năm trước 10 ngày. Không chỉ có nền nhiệt độ ở mức thấp, đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống còn có gió Bắc cấp 4, cấp 5, có lúc cấp 6.
Cường độ gió khá mạnh đã ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng, phát triển của mốt số loại cây vụ đông như: hành, tỏi, ngô… Nhiều cây ngô đang có bắp bị nghiêng, đổ. Các diện tích trồng hành ở huyện Nam Sách, Kinh Môn cũng bị dập, gẫy lá. Bà Vũ Thị Liên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Nam Sách, cho biết: Qua kiểm tra thực tế diện tích trồng hành (đang ở giai đoạn tạo củ) có hiện tượng cây hành bị gẫy một vài lá. Tuy nhiên, số lá hành bị gẫy ít nên không ảnh hưởng đáng kể đến năng suất hành. Nếu nhiệt độ giữ ở mức hiện nay thì sẽ tốt cho sinh trưởng, phát triển của hành. Phòng NN-PTNT huyện khuyến cáo, nếu đợt rét này kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, nông dân cần phun thuốc bảo vệ thực vật để cây hành cứng lá, xuống củ thuận lợi. Đối với 70 ha mạ trà sớm, nông dân nên rắc tro mục để giữ ấm cho mạ, đồng thời luôn giữ ấm trên ruộng để mạ chống chịu tốt với thời tiết rét.
Ở nhiều xã của huyện Ninh Giang, nông dân đã tích cực ra đồng để chăm sóc, bảo vệ mạ trà sớm khi trời đột ngột rét đậm, rét hại. Chị Nguyễn Thị Loan ở đội 4, xã Vĩnh Hòa đã khẩn trương cho nước vào ruộng mạ P6 mới gieo được 1 tuần để giữ ấm cho mạ. “Trời rét làm mạ phát triển chậm. Nếu nhiệt độ như ngày hôm nay, tôi chỉ cần cho nước vào ruộng để giữ mạ ấm chân. Trường hợp nhiệt độ tiếp tục xuống thấp hơn nữa, khi sờ tay xuống nước thấy giá và nhức thì ban ngày cần tháo nước cho chân ruộng mạ được ấm, đến ban đêm lại lấy nước vào”, chị Loan chia sẻ kinh nghiệm.
Đến nay, huyện Ninh Giang đã gieo xong khoảng 300ha mạ trà sớm. Theo ông Trần Trọng Bát, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu đợt rét này kéo dài thì mạ sẽ bị ảnh hưởng. Trong trường hợp này, để chống rét, nông dân nên bón tro mục và luôn giữ ấm cho mạ, tốt nhất là dùng ni-lông trắng để che phủ kín mạ. Bên cạnh đó, việc dự phòng giống lúa ngắn ngày để đề phòng trường hợp mạ bị chết rét cũng cần được tính đến.
Cùng với việc phòng, chống rét cho cây trồng, phòng, chống rét trên đàn vật nuôi đang được nông dân chú trọng. Trước khi mùa rét tới, anh Nguyễn Xuân Đại ở thôn Trại Mai Trung, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) đã mua sắm các nguyên vật liệu che chắn chuồng trại cho đàn gia cầm. Trang trại quy mô lớn của gia đình anh hiện có 2.000 con vịt đẻ, 4.000 gà đẻ, 11 nghìn gà thương phẩm và mỗi tuần cho ấp nở ra hàng chục nghìn con gà giống. Do gà công nghiệp khả năng đề kháng kém, nên anh đặc biệt quan tâm việc phòng, chống rét. Anh đã đầu tư hệ thống sưởi chuồng trại gồm: bóng điện, chụp ga, chụp sưởi cho gà. Anh Đại cho biết, trong chăn nuôi phải nắm chắc các kinh nghiệm. Anh đặt nhiệt kế trong chuồng gà để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp. Mỗi loại gà thích nghi với từng loại nhiệt độ riêng: gà dưới 3 ngày tuổi cần nhiệt độ khoảng 37,5 độ C; từ 4 -7 ngày tuổi cần nhiệt độ từ 32 – 35 độ C, trên 1 tuần tuổi nhiệt độ khoảng 32 độ C… Nếu không duy trì ở mức nhiệt độ này, gà sẽ chậm phát triển, dễ mắc các loại dịch bệnh. Bên cạnh việc dùng lò sưởi, hệ thống chuồng trại cũng được anh che chắn cẩn thận, tránh gió từ các hướng lùa vào. Bên cạnh đó, phải cho ăn uống đầy đủ, tăng cường bổ sung chất đạm và các loại vi-ta-min. Với 5.000 m2 nuôi cá, anh cũng có nhiều biện pháp chống rét. Khi nhiệt độ xuống thấp, anh trải bạt trên mặt ao, thả thêm nhiều bèo, bó rào tre để làm nơi trú ngụ cho cá. Việc bổ sung thức ăn cũng được chú trọng hơn những ngày khác nhằm mục đích tăng sức đề kháng cho cá… Với những biện pháp trên, trong nhiều năm liền, trang trại của gia đình anh Đại không có vật nuôi bị chết do rét.
Những năm gần đây, diễn biến khí hậu, thời tiết rất thất thường, rét đậm, rét hại kéo dài, dịch bệnh thường xuyên xảy ra đã gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động trong việc phòng, chống rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, cây trồng. Các phương tiện thông tin đại chúng ở huyện và cơ sở thường xuyên thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết, khí hậu để nông dân nắm được, chủ động trong việc phòng, chống rét. Các hộ nông dân cần che chắn chuồng trại cẩn thận, dùng các biện pháp sưởi ấm cho gia súc, gia cầm, bảo đảm chuồng trại phải kín, khô, ấm, chống được mưa và gió lùa. Cần chủ động trong việc dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, bình quân mỗi con trâu, bò phải được ăn từ 5 -7kg rơm, cỏ khô/ngày. Đối với trâu, bò sử dụng sức kéo, buổi sáng cần cho đi muộn, về muộn, buổi chiều đi sớm về sớm. Những ngày trời rét, không được đưa trâu, bò ra ngoài chuồng. Cần bổ sung thức ăn thô, thức ăn tinh, khoáng và vi-ta-min để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Cán bộ chuyên môn ở huyện và thú y cơ sở cần chủ động kiểm tra, nắm bắt tình hình và hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống rét. Đối với cây trồng, cần bón phân, ka-li, giảm bón đạm để cây khỏe mạnh, tăng khả năng chống rét. Riêng đối với mạ, khi nhiệt độ xuống dưới 13 độ C cần tưới ủ ấm, rắc một lớp tro bếp mỏng lên bề mặt luống mạ. Không gieo mạ khi nhiệt độ dưới 15 độ C và phải che chắn cẩn thận.
Theo báo Hải Dương