Subscribe: RSS Twitter

Mảnh đất Sầm Sơn nhô hẳn ra biển, phía bắc là sông, phía nam là núi, tạo nên một hình thế đặc biệt như một khu đệm giữa biển và đất liền, cho ta một khu vực khí hậu luôn mát mẻ, dịu êm. Dọc bờ biển, từ cửa Hới (sông Mã) đến phía nam núi Trường Lệ đều có thể xây dựng bãi tắm và nhà nghỉ mát. Về cấu tạo địa hình, bờ biển ở đây thuộc loại lý tưởng. Bãi cát vàng, dẽ mịn, kéo dài ra biển hàng trăm mét, không có chỗ nào quá sâu hoặc lầy lội, cho nên nước trong xanh, sóng nhẹ uốn lượn nhịp nhàng. Về nhiệt độ nước biển vùng Sầm Sơn trung bình, qua sơ bộ nghiên cứu của các nhà địa lý học Việt Nam, thuộc hệ thống biển miền bắc là 250C trong mùa hè và 210C trong mùa đông. Đây là nhiệt độ thích hợp với tắm biển. Khi tắm biển du lịch sầm sơn 2018, du khách hãy ghé thăm nơi đất thiêng thần Kim Quy.

Du lịch Sầm Sơn - Ghé thăm nơi đất thiêng thần Kim Quy

Du lịch Sầm Sơn – Ghé thăm nơi đất thiêng thần Kim Quy

Theo như những gì tìm hiểu từ những chuyện xa xưa, chuyện kể rằng:

Năm 208 trước công nguyên, An Dương Vương mất lẫy nỏ thần, bị Triệu Đà đánh thua phải đem con gái chạy về phía Nam. Khác với truyền thuyết phổ biến chung quanh ngôi đền Mụ Giạ (Nghệ an) nhân dân Thanh Hoá kể: An Dương Vương bị giặc đuổi đến chỗ bây giờ là làng Bình Hoà (xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương) khoảng gần km 4 trên Quốc lộ 47 (đoạn từ thành phố Thanh Hoá đi Sầm Sơn) thì cùng đường, trước mặt chỉ có biển cả, sau lưng quân thù đang ập tới. Nghe lời cầu khẩn của vua, thần Rùa Vàng hiện lên đưa ngài xuống thuỷ cung… Truyền thuyết này phù hợp với địa lý lịch sử, cách đây hơn 2.000 năm, trước làng Bình Hoà là một vịnh biển mênh mông sóng gió. Đền An Dương Vương, miếu Mỵ Châu để kỷ niệm còn đó, mà rùa thần từ ấy lặn mất tăm! Nhưng, phải chăng khí thiêng muôn thuở vẫn còn lưu lại, chung đúc nên mảnh đất dáng rùa thiêng, hai chân sau đạp vào dãy núi Trường Lệ, đầu vươn dài tận cửa Hới, hướng tới đại dương bao la? Thần Kim Qui – Rùa Vàng còn gọi là Thanh Sứ, có lẽ vì vậy mảnh đất ấy mang sắc xanh tươi màu xanh ngọc bích và biết bao toà kiến trúc cổ, kim, xa trông giống như đền đài, cung điện nguy nga, tráng lệ mọc lên san sát bên nhau tầng tầng, lớp lớp lấp lánh dưới nắng trời mùa hè quê biển. Sầm Sơn đó, như hiện lên từ giấc mơ thần thoại, núi Trường Lệ Sầm Sơn kia giống ngọn La Phù (1) lênh đênh ngoài khơi dạt vào cửa biển Lệ Hải…
(1) La phù : Tên ngọn núi tiên ở ngoài biển Đông. Xem truyện “Từ Thức tiên hòn” của Nguyễn Dữ trong sách “Truyền Kỳ Mạn Lục”.
     Lệ Hải là tên xưa cửa biển Trường Lệ. Thế kỷ III, giặc Ngô xâm lược nước ta, hễ nghe nhắc tới tên hiện Lệ Hải Bà Vương của người con gái họ Triệu là rụng rời, khiếp vía. Cửa biển tươi đẹp đã cho nữ anh hùng tuổi mới đôi mươi, cái tên vang vọng như tiếng cồng xuất chinh từ Ngàn Nưa hùng vĩ hay đó là niềm vinh quang Vua Bà dành riêng cho Sầm Sơn – Trường Lệ? Cửa biển này không chỉ tươi đẹp mà còn bình yên nhờ núi Trường Lệ như cánh tay dài thần kỳ chặn đứng sóng to, gió lớn, bảo vệ thuyền mảng cho ngư dân từ nghìn thuở. Có lẽ vì thế, Sầm Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm nghề cá của Thanh Hoá. 

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm đến Sầm Sơn Thanh Hóa

Như công ty du lịch Khát Vọng Việt biết: Ban đầu Sầm Sơn chỉ là những cồn cát nóng bỏng trưa hè, heo hút ngày đông, bên cạnh những dải trũng sắc nước bốn mùa trong xanh, còn nguyên vị mặn của thời biển khơi chưa bồi lấp. Tới đầu thế kỷ XIX, địa danh Sầm Sơn mới thấy xuất hiện trên tài liệu chữ viết và trong kho từ vựng nhân dân. Chân núi phía Bắc dãy Trường Lệ có Sầm thôn, tên nôm là làng núi. Đây là làng cổ nhất vùng, nếu ta căn cứ cách đặt tên làng thời trước và địa thế, địa hình cư trú của nó. Chữ “Sầm” (Hán Tự) là núi, mà chữ “Sơn” cũng là núi. Đem chữ “Sơn” đặt ghép với chữ “Sầm” để thành “Sầm Sơn”, chứng tỏ “tác giả” của nó không thật “giỏi” chữ Hán. Điều này dễ hiểu, vì chính người Pháp (đúng hơn là chính quyền thực dân Pháp), khoảng năm 1905, quyết định xây dựng bãi biển thuộc địa phận Sầm thôn thành một khu vực nghỉ mát lấy tên Sầm Sơn và năm 1906, họ cho làm đường số 8 từ tỉnh lỵ Thanh Hoá đi Sầm Sơn… Cho đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945, Sầm Sơn vẫn chưa thành một đơn vị hành chính thuộc hệ thống hành chính tỉnh, huyện, tổng, xã, thôn của triều đình Huế. 

  Tương truyền ngôi đền Độc Cước trên ngọn Cổ Giải có từ đời Trần. Nếu đúng vậy, đất Sầm Sơn, muộn nhất từ đời Trần đã có người tới khai phá, lập trại, ấp. Và chỗ người ta đến cư trú đầu tiên phải là dọc ven núi Trường Lệ để tránh gió bão dữ dội hàng năm và những trận lụt nước mặn, những cơn sóng thần khủng khiếp. Hơn nữa, đây là nơi họ trông ra, bên này, những miếng đất màu mỡ, một năm hai mùa cấy lúa trồng khoai, bên kia, biển khơi bao la, vô vàn tôm, cá. “Cơm cày ruộng, cá lưới chài” là mảnh đất lý tưởng, đầy hấp dẫn trong nền kinh tế tự cấp tự túc, Sầm Sơn vẫy gọi người bốn phương đến sinh cơ, lập nghiệp. 

  Trước cách mạng tháng 8, vùng Sầm Sơn là 3 xã 8 thôn thuộc tổng Cung Thượng, huyện Quảng Xương, sau khi thành lập thị xã Sầm Sơn, có các phường Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn, các xã Quảng Tiến, Quảng Cư. Số dân vùng này tăng khá nhanh và người càng đông lên, ruộng càng ít đi. Để bù lại, họ có cả một đại vương bao la với nguồn của cải vô tận. 

   Bờ biển Sầm Sơn nằm khoảng giữa bờ biển Thanh Hoá, có đặc điểm độ dốc thoai thoải, độ nghiêng đều đặn theo độ nghiêng của lục địa kéo dài mãi ra, chỗ đáy sâu không quá 100m. Biển Sầm Sơn thuộc khu vực vịnh nông và tầng đáy tương đối bằng phẳng và ít bùn lầy, là cơ sở để hình thành những bãi cá ngang. Điều này giải thích tại sao, bên cạnh những tàu máy vượt biển khơi xa, Sầm Sơn đến nay vẫn còn những mảng luồng đánh cá trong lộng. 

  Chính do cuộc sống lao động cực nhọc một cách đặc trưng đã tạo cho nam giới miền biển những nét độc đáo về hình thể: vai u, lưng gồ, khi đi, đứng, họ có cái dáng khum khum, cong cong tựa chiếc mảng, con thuyền mà hàng ngày họ phải è vai nai lưng khiêng vác! Cuộc sống mới ngày nay đã khiến thanh niên Sầm Sơn có dáng vóc khác hẳn. Với chiếc may ô, quần đùi bó sát cơ thể nở nang, cân đối, họ đứng trên con tàu mấy trăm mã lực ngang dọc biển khơi bao la, lưới cá về góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước. 

   Do đời sống văn hoá ngày càng cao, những phong tục tập quán, những tệ nạn xã hội dần dần lùi sâu vào dĩ vãng. Tháp chuông nhà thờ sừng sững đứng đó, nhưng tiếng chuông cầu nguyện chìm đi trong muôn vàn âm thanh sôi động của cuộc sống lao động, học tập, công tác, nghỉ ngơi, vui chơi,… của một vùng quê biển đổi mới từng ngày. 


                    Sóng biển vỗ hồng theo sóng ngói
                … Với tầng tầng nhà nghỉ mát dàn ra
                     Với ánh đèn đánh cá tận khơi xa…
                                                        Trinh Đường

Với hình dáng thần Kim Qui nhoài mình ra biển để ngăn sóng, chặn gió, Sầm Sơn thực sự là mảnh đất đầu sóng ngọn gió. Nhưng “có cứng mới đứng đầu gió”. Sầm Sơn không những “đứng” được mà còn lớn lên, lớn lên không ngừng trước sóng và gió. Hãy đến du lịch, khám phá vẻ đẹp Sầm Sơn Thanh Hóa.

© Cổng thông tin điện tử xã Hồng Phong - Ninh Giang - Hải Dương