Subscribe: RSS Twitter

Mối tình đầu thủa 20 trong sáng, lý tưởng của vị danh tướng huyền thoại là với liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái, còn tình yêu sau – sâu sắc, bình dị nối dài theo năm tháng tới cuối đời là với phó giáo sư Đặng Bích Hà – con gái cụ Đặng Thai Mai.

 

Hai người phụ nữ ấy đã gắn bó, song hành với cuộc đời vì dân, vì nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Mối tình đầu của ông là liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái, em gái liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai. Ông và bà gặp nhau lần đầu tiên năm 1929, trên chuyến tàu Vinh – Huế. Trước đó, tướng Giáp từng nghe các đồng chí cùng chi bộ nhắc tới tên Quang Thái, cô em gái còn rất trẻ nhưng hoạt động hăng hái của đồng chí Minh Khai.

“Mẹ Thái mặc áo dài, tóc để xoã, da trắng hồng, gương mặt rất sáng, đặc biệt là đôi mắt, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng ba. Ba khi ấy ông đóng vai một nhà báo khá ăn diện. Về sau mẹ nói lại cho ba ấn tượng đầu tiên của mình: Một chàng thư sinh với vẻ “công tử bột”, chỉ khi nghe tự giới thiệu là nhà báo thì mẹ mới dịu lòng và bắt chuyện”, giáo sư Võ Hồng Anh, con gái duy nhất của đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái, hình dung về buổi gặp gỡ đầu tiên của ba mẹ mình qua lời kể của cha, trong một buổi phỏng vấn của báo chí năm 2003. (Giáo sư Hồng Anh đã mất năm 2009).

Lần gặp thứ hai của tướng Giáp và người vợ đầu là tại một ngôi nhà khuất nẻo trong thành nội Huế. Khi đó, Quang Thái đến xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng. “Một cô học sinh xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng, âm ấm. Cô có dáng mảnh dẻ, hai con mắt to rất sáng. “Đôi mắt này mình đã gặp ở đâu nhỉ?”. Anh Giáp thầm nghĩ”, cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” của trung tướng Phạm Hồng Cư ghi lại.

Sau đó, Quang Thái vào Huế học và tìm bắt liên lạc với tổ chức để nhận công tác với đoàn thể. Hai người có cơ hội gặp nhau vài lần, nhưng Quang Thái chưa nảy nở tình yêu đáp lại tấm chân tình của người đồng chí. Thời gian qua đi, trong quá trình hoạt động, đấu tranh, tình yêu của họ nảy nở từ những lý tưởng chung về cách mạng…

Hai người kết hôn khi bà Quang Thái 20 tuổi, nhưng mãi đến gần chục năm sau họ mới sinh con vì muốn “giữ” để được thoát ly hoạt động cùng nhau.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu – liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Ảnh tư liệu.

Vào cuối năm 1939, thực dân Pháp khủng bố mạnh. Lúc này, chiến sĩ cách mạng Võ Nguyên Giáp phải rút vào hoạt động bí mật. Sau đó ông được cử sang Trung Quốc hoạt động.

Trước sự phân vân, lo lắng vì hai vợ chồng không thể ở bên nhau khi con gái Hồng Anh còn quá nhỏ, bà Quang Thái động viên chồng: “Đây là một thời cơ lớn, trên đã muốn anh thoát ly thì anh nên quyết tâm. Mẹ con em tự lo được mà. Chờ con lớn thêm chút nữa em gửi con cho ông bà nuôi, em sẽ đi sau”. Cả hai vợ chồng bà Quang Thái không ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn giữa hai người.

Năm 1942, bà Quang Thái bị bắt và bị kết án 16 năm tù. Trong thời gian bị giam giữ, bà thường xuyên bị tra tấn nhưng vẫn kiên trung không tiết lộ thông tin của tổ chức. Năm 1944, bà Quang Thái mất do kiệt sức khi chăm sóc bệnh nhân trong nhà lao Hỏa Lò và bị nhiễm phong hàn.

Do điều kiện phải hoạt động bí mật nên mọi thông tin về việc bà Quang Thái bị bắt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không hề hay biết. Chỉ đến khi trở về nước và tham dự hội nghị Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ họp tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào tháng 4/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nhận được tin dữ. Khi nghe tin người vợ yêu thương đã hy sinh, người Đội trưởng Đội Tuyên truyền Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp bàng hoàng đi sang buồng bên, bỏ dở cuộc họp…

Mối tình thứ hai, gắn với đại tướng Võ Nguyên Giáp tới cuối đời, là với người vợ sau, bà Đặng Bích Hà – con gái giáo sư Đặng Thai Mai – người phụ nữ đã đồng hành ông từ những ngày sau Cách mạng Tháng Tám đến nay.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn là đồng chí, đồng nghiệp với cụ Đặng Thai Mai từ những ngày Đảng Tân Việt mới đi vào hoạt động.

Nguyên Giáp biết Bích Hà từ lúc còn là cô bé tóc để chỏm, hay nghịch đất với em ngay trước sân nhà ông ngoại. Ông rất quý gia đình cụ Đốc Mai và được hai cô con gái cụ quý mến như một người anh cả. Trong suốt thời gian hoạt động và làm việc từ 1931 đến 1941 tại Vinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống tại nhà của Giáo sư Đặng Thai Mai. Lúc nào ông cũng xem cô bé Bích Hà như một người em nhỏ nên rất cưng chiều và chăm bẵm.

Khi mới ra Hà Nội, ngày nào đi luyện tập thể thao, ông cũng cho Hà đi cùng. Trên đường đi, thi thoảng ông cũng kể cho cô bé nghe về cô Quang Thái (khi đó là người yêu và sau này là vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cô lắng nghe rất chăm chú.

Ngày ấy, cả gia đình cô, nhất là cụ Đặng Thai Mai, rất quý cô Quang Thái và mọi người đều xem cô như người thân trong nhà. Sau khi cưới, Võ Nguyên Giáp ra ở riêng và tiếp tục hoạt động ở Hà Nội rồi sang Trung Quốc, còn cô Bích Hà học ở Hà Nội một thời gian. Đến năm 1943 cô theo trường tản cư về Thanh Hóa cho đến 1945 mới quay về Hà Nội.

Bữa cơm của đại tương Võ Nguyên Giáp và người vợ thứ hai – giáo sư Đặng Bích Hà. Ảnh tư liệu.

Bà Bích Hà từng kể, khi 6-7 tuổi, bà hay được ông Giáp đèo đi chơi đến sân vận động Hàng Đẫy (khi ấy gọi là Septo) tập thể thao. Một hôm bỗng dưng ông nói: “Anh sẽ cưới Hà bằng một đĩa xôi và một con gà”. Không ai ngờ câu nói đùa ấy hơn mười năm sau lại trở thành sự thật.

Năm 1945, khi hai người gặp lại nhau, Võ Nguyên Giáp đang phải gánh chịu mất mát lớn, khi biết tin người vợ – người đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái đã bị bắt và mất trong nhà tù Hỏa Lò từ đầu năm 1944. Từ sự kính phục và ngưỡng mộ, Bích Hà lại càng muốn được cùng ông chia sẻ mọi gian khó trên con đường cách mạng và đường đời.

Vào cuối năm 1946, gia đình cụ Đặng Thai Mai đồng ý tổ chức lễ cưới cho Võ Nguyên Giáp và Đặng Bích Hà. Đám cưới của hai người được tổ chức rất giản dị. Suốt mấy chục năm làm bạn đời, Bích Hà vẫn luôn bên cạnh động viên chồng với tâm hồn bình thản qua những lời giản dị và lạc quan.

Bà Bích Hà từng kể lại, trước đây, trong vườn có một cây bơ rất ngon, một loại quả mà Đại tướng rất thích ăn. Đặc biệt cây bơ ấy thường ra quả rất muộn, đúng vào dịp sinh nhật Đại tướng, nên năm nào bà cũng hái những quả to nhất, ngon nhất để dành cho ông.

Những năm gần đây khi cây bơ ấy không còn nữa, các con đã ươm một cây mới thay thế. Ngày ngày bà vẫn chăm sóc cho cây chóng lớn để cây sớm ra quả và lại hái vào để dành cho ông vào dịp sinh nhật như mọi khi.

Mấy năm trước, lúc rảnh rỗi, đại tướng Võ Nguyên Giáp thường ngồi thư giãn bên chiếc đàn piano. Bà Bích Hà ân cần bên cạnh chồng. Ảnh tư liệu. 

Về phần mình, dù hay vắng nhà, Đại tướng chưa bao giờ để vợ con phải có cảm giác lo lắng, hụt hẫng vì bị “lãng quên”, mà ông vẫn cố dành thời gian mấy phút để viết những dòng thư ngắn gọn gửi ra cho bà và các con để hỏi thăm sức khỏe và động viên tinh thần học tập, công tác.

Với cương vị là Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân, là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ quốc phòng, từ khi đang còn đương chức cho đến khi về nghỉ hưu, ngày nào Đại tướng cũng rất bận rộn. Dù vậy, chưa năm nào Đại tướng quên ngày cưới của hai người. Hàng năm, cứ đến ngày 27/11, Đại tướng lại nhờ con gái mua một bó hoa hồng nhung – một loài hoa mà bà Bích Hà rất thích để tặng bà. Sau này, khi nghe nói hoa hồng nhung chứa nhiều thuốc rất độc, lại không có mùi thơm như trước nữa, ông lại dặn con vẫn mua hoa hồng để ba tặng mẹ nhưng phải là hoa hồng có mùi thơm.

Đến những năm gần đây, khi sức khỏe ngày càng yếu, hầu hết thời gian của Đại tướng là ở trong viện, tuần nào bà Bích Hà cũng vào thăm chồng, cùng ông chuyện trò. Hôm nào mệt bà không vào được, ông thể nào cũng hỏi các con: “Mẹ thế nào?”. Khi nghe các con nói: “Mẹ vẫn khỏe, mẹ bình thường ạ!” thì ông mới gật gật đầu: “Bảo mẹ giữ gìn sức khỏe!”. Tình yêu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phó giáo sư Đặng Bích Hà là như vậy, bình dị nhưng sâu đậm cho đến suốt cuộc đời.

Vương Linh (tổng hợp)

© Cổng thông tin điện tử xã Hồng Phong - Ninh Giang - Hải Dương