Subscribe: RSS Twitter

Khi đi khám bệnh, thầy thuốc thường đo nhiệt độ cơ thể. Có điều lạ là có người bệnh không lấy gì làm nặng lắm, chỉ cảm cúm qua loa, vậy mà sốt cao, trái lại có người bệnh nặng, nhưng lại không thấy “sốt”, tại sao lại như thế?

Như chúng ta biết, con người có khả năng điều hòa nhiệt độ rất linh hoạt, không giống như những động vật máu lạnh, nhiệt độ cơ thể thay đổi tùy theo sự thay đổi của nhiệt độ bên ngoài, nhiệt độ cơ thể của con người luôn luôn giữ ở mức trên dưới 37oC.

Tác dụng điều hòa này do một bộ phận gọi là “bộ tư lệnh” điều hòa nhiệt độ cơ thể ở vùng dưới đồi cai quản, đồng thời tỏa nhiệt vào không khí thông qua con đường bức xạ, dẫn truyền, đối lưu và bốc hơi toả nhiệt vào không khí, giữ cho nhiệt độ cơ thể không thay đổi. Tại sao phải như vậy? Đó là vì phải tạo ra điều kiện nhiệt độ giữ ở mức hằng định, có lợi cho các hoạt động trao đổi chất phức tạp trong cơ thể.

Biểu hiện của bệnh sốt

Biểu hiện của bệnh sốt

Thế thì tại sao sau khi đau ốm có người sốt cao, có người lại không sốt? Sở dĩ có tình trạng đó là do có nguyên nhân gây “sốt” hay không. Y học hiện đại đã chia nguyên nhân gây “sốt” ra làm hai loại lớn: một là sốt do tác nhân hoặc vật chất gây sốt. Tác nhân gây sốt bao gồm vi khuẩn, vi rút, rickettsia, xoắn khuẩn (spirochete), mycoplasma, chlamydia,… vật chất gây sốt bao gồm 5- hydroxytryptamine, dopamine, mỡ dạng keo, độc tố vi khuẩn…

Như chúng ta vẫn thường gặp, chứng cảm cúm do vi rút gây ra, sốt do vi khuẩn gây ra, nhưng một số bệnh nhân bị u ác tính, tuy tìm mãi mà không thấy tác nhân gây bệnh cụ thể, thế nhưng những vật chất có hại đối với cơ thể do sự trao đổi chất ở các u sản ra có thể trở thành tác nhân gây sốt, thành thử bệnh nhân cứ sốt mà tìm mãi không thấy nguyên nhân.

Hai là, sốt do tác nhân không gây sốt, ở đây chủ yếu do nhiệt lượng trong cơ thể sản ra quá nhiều, chẳng hạn chứng tăng năng tuyến giáp; cũng có thể do việc tỏa nhiệt của cơ thể vào môi trường xung quanh giảm sút, ví dụ như viêm da trên diện rộng làm mồ hôi không thoát ra được và bay hơi. Những trường hợp nêu trên đều dẫn tới sốt. Ngoài ra, khi cơ thể mất nước, mất máu hoặc hệ thống thần kinh bị tổn thương, cảm nắng, xuất huyết não, “bộ chỉ huy” điều hòa thân nhiệt ở vùng dưới đồi bị ảnh hưởng hay rối loạn đều dẫn đến sốt.

>> Xem thêm: Bệnh gì?

Do đó ta thấy rằng, sau khi mắc bệnh, nếu xảy ra một trong hai trường hợp nói trên bệnh nhân sẽ sốt. Ngược lại, sau khi mắc bệnh, nếu không xảy ra bất cứ một trường hợp nào đã nói ở trên, bệnh nhân sẽ không sốt.

Trong trường hợp người bệnh sốt cao, bản thân việc tăng nhiệt độ cơ thể đã bất lợi đối với việc tiếp tục sinh tồn của một số tác nhân gây bệnh. Sau khi sốt, số lượng các “vệ sĩ” trong máu của cơ thể người, tức là các bạch cầu bỗng chốc tăng lên, phát huy hết tiềm năng, “chống trả quyết liệt” các kẻ thù gây bệnh. Trong những trường hợp sốt cao, chức năng của hệ thống miễn dịch của cơ thể được tăng cường, số lượng các kháng thể chuyên được sản ra để đối phó với các tác nhân gây bệnh tăng lên.

Sốt cao

Sốt cao

Lúc sốt, tốc độ trao đổi chất của các chất dinh dưỡng tăng nhanh càng làm cho sức đề kháng của người bệnh được tăng cường. Lúc sốt, chức năng của lục phủ ngũ tạng cũng được đẩy mạnh, nhất là chức năng giải độc được tăng cường, có lợi cho việc tiêu diệt các tác nhân gây bệnh và xử lý những chất gây sốt. Ngược lại, trong một số trường hợp, người bệnh sốt âm ỷ không rõ ràng, đáng lý phải sốt lại không sốt, thậm chí nhiệt độ không tăng, điều đó cho thấy phản ứng của hệ thống phòng vệ của cơ thể kém nhạy bén, rất không có lợi.

Đương nhiên, sốt ở một chừng mức nhất định là một phản ứng bảo vệ của cơ thể, nhưng nếu sốt quá cao hoặc sốt lâu sẽ không có lợi cho cơ thể, bởi vì tất thảy những sự can thiệp đến chức năng sinh lý của cơ thể đều làm cho người bệnh mỏi mệt và khó chịu, vì thế nhiều khi lại phải dùng biện pháp hạ sốt.

© Cổng thông tin điện tử xã Hồng Phong - Ninh Giang - Hải Dương