Subscribe: RSS Twitter

Băn khoăn. Xao xuyến. Bồi hồi. Lặng lẽ đi tìm những tín hiệu riêng để nhận biết mùa thu Nha Trang. Lắng nghe hơi thở thời gian và dõi theo sự chuyển động của không gian, cảm nhận trong tôi rõ dần, khi Hà Nội bâng khuâng, xao xuyến giữa đỉnh thu, trời Sài Gòn đắm trong mưa gió, biển Nha Trang tạnh ráo đón heo may. Buổi sáng: Trời đầy sương. Giữa trưa: Nắng vàng lộng lẫy. Chiều tàn: Mù sa lảng bảng. Trái đất nóng lên, mùa thu Nha Trang khẽ khàng đến muộn… Năm nay Nha Trang chắc chắn sẽ đón rất nhiều lượt khách du lịch Nha Trang giá rẻ 2016.

1. Người Nha Trang rất thích đón bình minh trước biển. Hừng đông, không thể đếm được trên bãi cát có bao nhiêu con người háo hức đợi chờ tia nắng đầu tiên trong ngày, nhưng tôi tin, nếu ở Nha Trang khoảng vài tháng, bạn sẽ nhiễm thói quen ra biển ngóng trông mặt trời mọc. Nhà tôi ở gần Công viên Võ Văn Ký.

Mỗi buổi sáng, bước ra đường Hoàng Văn Thụ, đi bộ một mạch chừng mươi phút là đến Công viên Yến Phi. Xuống biển, thuận theo chiều sáng, ngắm ban mai đánh thức cỏ cây và mặc nhiên cảm xúc dâng đầy. Lặng lẽ sau dòng người xuôi ngược, lòng bồi hồi ngưỡng vọng Yến Phi.

Nửa thế kỷ trôi qua, vẫn còn đó hình ảnh người con gái Nha Trang quả cảm tự thiêu phản đối chiến tranh. Vâng, một ngày đầu năm 1965, trước biển và trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân thành phố biển, phật tử thuần thành Đào Thị Yến Phi vừa tròn 17 xuân xanh đã ngẩng cao đầu dõng dạc lên án chiến dịch thảm sát phật tử và đàn áp phật giáo của chính quyền Mỹ – ngụy rồi biến mình thành ngọn lửa phản chiến.

Tôn thờ liệt nữ, nhân dân Nha Trang dựng tượng Yến Phi tại nơi in dấu sự hy sinh. Sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng quyết định xây dựng Công viên Yến Phi dành riêng cho thiếu nhi thành phố.

15 năm gắn bó với Nha Trang, tôi đã hơn một lần diễn tả với du khách hành động phi thường của người con gái mang tên loài chim yến và hơn một lần lặng thầm chiêm bái Yến Phi. Sáng mai nay, sương thu bàng bạc, sóng ru nỗi niềm, cảm xúc lãng mạn bẩm sinh chắp thêm đôi cánh tưởng tượng, nụ cười trinh nữ lung linh, trái tim ngập ngừng… nóng hổi, tôi thấy mình nhỏ bé, nhỏ bé đến chơi vơi. Cảnh đẹp mùa thu rõ nét nhất là ở Hòn Chồng Nha Trang.

Nghiêng về phía biển, gió reo lồng lộng, vô vàn chim yến vụt bay ngang trời. Tôi hiểu, Tổ quốc đã đi qua bao cuộc chiến tranh, kể sao cho xiết công ơn những người không ngại ngần hiến dâng cuộc đời cho đạo pháp – dân tộc – hòa bình.

2. Quanh năm dạo biển, tha hồ đón sóng, hóng mây; vậy mà đến tiết chuyển mùa, lòng vẫn nao nao. Giữa trưa, rủ bạn lên đồi La San vọng cảnh. Chẳng rõ biển dâng khói, trời gieo sương hay bước thu ru ngủ trùng dương, chỉ biết rằng, ở Nha Trang, mỗi năm có khoảng dăm bảy ngày, mặt trời cố tình ngủ quên sau bức rèm voan bồng bềnh màu sữa. Nhìn từ bờ, đảo lớn, đảo nhỏ chìm xa, chỉ thấy bóng thu kiêu sa… vời vợi.

Trong “con mắt” người Nha Trang, đồi La San là “đỉnh ngắm” toàn cảnh nước non hữu tình. Thực ra, La San không phải tên đất, tên làng mà cũng chẳng phải biệt danh quả đồi phủ phục trước cửa biển. Theo tài liệu của cộng đoàn sư huynh các trường công giáo (Frères des Ecoles Chretiennes), La San là dòng tu công giáo Rôma, được sáng lập bởi thánh Joan La San (Jean-Baptiste de La Salle).

Mùa thu trên biển Nha Trang

Mùa thu trên biển Nha Trang

Những năm cuối thế kỷ XIX, “con đường” truyền giáo và cai trị thuộc địa dẫn đưa các sư huynh từ Pháp đến Việt Nam để xây dựng hệ thống trường La San ở 3 miền Bắc -Trung – Nam. Năm 1930, sau nhiều chuyến khảo sát tại Nha Trang, các tu sĩ người Pháp đã chọn vị trí đặt tượng thánh La San và xây dựng tập viện, nhà nguyện… trên quả đồi cao nhất, đối diện với xóm Cồn. Gọi mãi thành tên, đồi La San do vậy mà trở thành địa danh hiện hữu.

Phải rồi, trước khi Nha Trang trở thành trung tâm du lịch, rất nhiều lữ khách đã tìm cách leo lên đỉnh cao phía Bắc, nhìn về hướng Nam, chiêm ngưỡng “thiên đường trước biển”. Còn nhớ, 30 năm trước, lần đầu đến Nha Trang, chúng tôi đã phải “xin đường” quá giang vào trường đại học thủy sản, mới được lên đồi La San ngắm thành phố biển. Quả là không bút mực nào tả hết vẻ đẹp  của đô thị “trên bến, dưới thuyền” soi mình giữa trời xanh, biển biếc. Tôi vẫn nhớ như in bức tranh ấn tượng về sóng. Chao ôi! Sóng lớp lớp đuổi theo nhau như đàn cừu tung tăng kiếm ăn trên “cánh đồng” Thái Bình Dương bất tận. Nếu đã đến Nha Trang bạn nên ghé thăm làng nghề gốm Lư Cấm nữa nhé.

Năm 2005, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng cầu Trần Phú bắc qua cửa sông Cái, mở đường Phạm Văn Đồng, nối quốc lộ 1A với tuyến “đường vàng” ven biển, phát triển trung tâm đô thị về phía Bắc. Trên đồi La San, từ sau ngày giải phóng đến nay, Nhà nước đã xây dựng 2 trường đại học, nhiều trường phổ thông và CĐ, THCN.

Bây giờ, từ cảng Phú Quý đến Bãi Tiên, bạn có thể “phóng” xe lên đồi La San bất cứ lúc nào. Hướng biển, thỏa thích nhâm nhi cà phê, thủ thỉ chuyện trò và tha hồ lướt… Internet tìm bạn. Tôi thích thú hình dung và cắt nghĩa rằng, không ngẫu nhiên ngày càng nhiều du khách cùng các tổ chức du lịch toàn cầu bầu chọn Nha Trang là một trong những điểm đến đẹp và hấp dẫn nhất Việt Nam.

3. Lang thang độc thoại với mùa thu, bước chân lạc giữa xóm Cồn lộng gió. Theo tôi biết, xóm Cồn là nơi “phát tích” thành phố Nha Trang. Chợt nhớ, ai đó đã kể, hơn 100 năm trước, 1 lần tình cờ ghé đến Nha Trang, nhà khoa học A.Yersin đã quyết định từ bỏ “con đường rộng mở” ở thủ đô Paris tráng lệ để gắn bó mãi mãi với xóm Cồn. Vâng, ngày 29.7.1891, một con tàu viễn Đông trên đường khám phá vùng biển Việt Nam đã tình cờ ngang qua đây, Nha Trang nguyên sơ và nên thơ… hút hồn chàng thanh niên 28 tuổi người Pháp, gốc Thụy Sĩ – A.Yersin.

Một mình lên bờ, dừng chân bên cồn cát, trò chuyện với những cư dân hiền lành, chân chất… dường như Yersin đã tìm thấy “chân trời mới” ở nơi này. Năm 1895, ông trở lại đây, lặng lẽ sống và làm việc trong tình yêu thương vô bờ bến của người Nha Trang. Nửa thế kỷ gắn bó với xóm Cồn, “ông Năm Yersin” đã cống hiến cho khoa học 55 công trình nghiên cứu có giá trị. Đặc biệt, A.Yersin đã cùng các cộng sự ở Viện Pasteur Nha Trang tìm ra vi trùng dịch hạch, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt vong.

Và đặc biệt, suốt thời gian ở Nha Trang, bác học Yersin còn dựng đài quan sát khí tượng, thủy văn… Những báo cáo thiên văn học của Yersin gửi về Pháp, được thế giới công nhận là văn bản nghiên cứu khoa học đầu tiên, xác thực “khí hậu Nha Trang tốt nhất Đông Dương”. Một trong những tour du lịch được du khách ưa chuộng nhất năm nay là tour Nha Trang Đà Lạt 5 ngày 4 đêm

Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Nha Trang thuộc vùng khí hậu nhiệt đới xavan, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương, thời tiết quanh năm ôn hòa, dễ chịu. Trong thực tế, những bậc cao niên có kinh nghiệm thường xuyên bám biển, ghi nhớ rằng, tiết thu Nha Trang ngắn ngủi; quãng chuyển mùa từ tháng 9 đến tháng 10 dương lịch, mù sa thường xuất hiện khoảng vài tuần.

© 6385 Cổng thông tin điện tử xã Hồng Phong - Ninh Giang - Hải Dương